FPT và Grab hợp tác chiến lược phát triển các giải pháp giao thông thông minh cho Việt Nam
Việt Nam, ngày 29/03/2019 – FPT – Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và Grab – siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Thông qua thỏa thuận này, FPT và Grab sẽ hợp tác trong 3 lĩnh vực chính, gồm: phát triển và triển khai các giải pháp thành phố thông minh tại một số thành phố lớn trên cả nước để góp phần cải thiện mạng lưới giao thông và logistics, giảm ùn tắc và đảm bảo giao thông an toàn hơn; nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI); và hợp tác trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với một tập đoàn công nghệ lớn như FPT để triển khai các dịch vụ và giải pháp mang tính thay đổi tích cực cho giao thông và nền kinh tế số của Việt Nam. Với những dữ liệu giao thông sẵn có, năng lực phân tích và kinh nghiệm về giao thông công cộng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, Grab sẽ làm việc chặt chẽ với FPT để phát triển các giải pháp thành phố thông minh, qua đó giúp cho việc di chuyển trở nên dễ dàng, thuận tiện và an toàn hơn cho người dân Việt Nam. Hơn thế nữa, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thông qua hợp tác chiến lược với Moca sẽ được tích hợp trên hệ sinh thái thương mại điện tử và các nền tảng của FPT, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, củng cố thêm cam kết của Grab cùng Việt Nam tiến về phía trước”.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, việc hợp tác giữa FPT và Grab sẽ mang lại nhiều trải nghiệm mới và tiện lợi cho người dân Việt Nam và góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Grab. FPT tin tưởng với năng lực công nghệ vượt trội của mình, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, kết hợp với kinh nghiệm và nền tảng dữ liệu của Grab sẽ là cơ sở để hợp tác thành công. Hai bên đồng thời sẽ chia sẻ thông tin cũng như các giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp và hiệu quả, góp phần giải quyết các thách thức giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam.”
Cụ thể, các lĩnh vực hợp tác sẽ được hai bên phối hợp triển khai như sau:
Các giải pháp thành phố thông minh
Hai bên sẽ hợp tác triển khai thí điểm phát triển hệ thống giám sát tín hiệu giao thông tại TP. Hồ Chí Minh để giảm thiểu ùn tắc và tăng hiệu quả mạng lưới giao thông. Theo đó, FPT cung cấp hệ thống phần mềm giám sát đèn giao thông, trong khi Grab cung cấp dữ liệu và các phân tích giao thông từ hệ sinh thái của mình. Dựa trên các dữ liệu di chuyển từ các phương tiện GrabCar và GrabBike, hai bên sẽ cùng phát triển một cổng thông tin giám sát giao thông theo thời gian thực tại một số thành phố lớn của Việt Nam.
Grab và FPT cũng dự kiến hợp tác phát triển các trạm sạc xe điện tại Việt Nam và tìm hiểu các sáng kiến di chuyển đa phương thức, có thể tích hợp lịch trình giao thông công cộng của FPT với các giải pháp di chuyển đa dạng của Grab.
Quan hệ hợp tác này thể hiện cam kết của FPT trong phát triển và triển khai các giải pháp giao thông thông minh tại Việt Nam, cũng như thể hiện sứ mệnh của Grab trong việc góp phần cải thiện các mạng lưới giao thông trở nên an toàn, hiệu quả và dễ tiếp cận hơn cho mọi người dân Đông Nam Á.
Các hoạt động này cũng sẽ tạo tiền đề hiện thực hóa tầm nhìn về tương lai của Grab đối với giao thông Việt Nam, đó là Chia sẻ, Liền mạch và Thông minh, trong đó:
- Chia sẻ: Thiết kế các thành phố hỗ trợ cho việc chia sẻ phương tiện, thay vì hỗ trợ cho việc sở hữu xe cá nhân.
- Liền mạch: Tạo ra các tùy chọn di chuyển để phục vụ các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau, hướng đến các phương thức di chuyển có thể kết nối với nhau và đưa ra đề xuất cho người dùng. Người dùng cũng có thể thanh toán cho hành trình của mình thông qua một phương thức thanh toán tích hợp.
- Thông minh: Tận dụng dữ liệu về cách người dân di chuyển và mật độ giao thông để giúp các thành phố quy hoạch các tuyến đường, giờ di chuyển, giá cả… hợp lý hơn, từ đó đảm bảo việc đầu tư vào hạ tầng hiệu quả nhất có thể.
Trong lĩnh vực giao thông thông minh, thời gian qua, FPT đã tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng 7 nhóm giải pháp công nghệ gồm: cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực, quản lý duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông, tổ chức và điều hành giao thông, xử lý vi phạm bằng hình ảnh và thiết bị giám sát hành trình (phạt nguội), phát triển vận tải hành khách công cộng, quản lý phương tiện cá nhân, cứu hộ cứu nạn…
Giải pháp Giao thông thông minh dựa trên những công nghệ lõi của cuộc cách mạng số như Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Xử lý hình ảnh, Máy học, Phân tích dữ liệu lớn… do FPT phát triển đã được triển khai thí điểm và thu hút được sự quan tâm của người dân tại TP.HCM. Giải pháp giúp tự động phân tích, cập nhật thông tin giao thông với độ chính xác cao nhất. Mỗi phương tiện giao thông trên đường trở thành một thiết bị số được kết nối, cung cấp dữ liệu vị trí, tình trạng lưu thông trên đường về trung tâm. Tại đây, dữ liệu được tổng hợp, phân tích lưu trữ và thông qua Cổng Thông tin Giao thông sẽ cung cấp cho người dân và các cấp quản lý thông tin đa chiều về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố một cách liên tục, tức thời. Tính đến tháng 03/2019, Cổng Thông tin Giao thông TP. Hồ Chí Minh có gần 300.000 lượt tải ứng dụng, hơn 10.000.000 lượt truy vấn thông tin, hơn 200.000 người quan tâm. Hiện FPT cũng đang triển khai thí điểm hệ thống này tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Trong cùng lĩnh vực này, Grab đã tổng hợp và đóng góp nguồn dữ liệu ẩn danh từ thiết bị định vị GPS của các đối tác tài xế cho Sáng kiến OpenTraffic của Ngân hàng Thế giới. Năm 2018, Grab cũng đã hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để thành lập Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo nhằm phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh. Với hơn 3 tỷ chuyến xe đã được thực hiện trên nền tảng Grab từ năm 2012 tới nay, luồng dữ liệu của Grab từ đội ngũ đối tác tài xế và năng lực phân tích dữ liệu sẽ giúp gia tăng đáng kể hiệu quả của Cổng Thông tin Giao thông hiện tại của FPT và cung cấp thông tin chính xác hơn cho người dùng, từ đó giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và cải thiện an toàn giao thông trên đường.
Thanh toán điện tử
FPT sẽ xem xét đưa ví điện tử GrabPay by Moca vào danh sách ví điện tử được yêu thích trên toàn hệ sinh thái của FPT. Được triển khai tích hợp trên ứng dụng Grab từ tháng 10/2018, ví điện tử GrabPay by Moca đã được ngày càng nhiều người dùng kích hoạt thành công. Tháng 12/2018, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã tăng hơn 370% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu mang lại lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt cho ngày càng nhiều người Việt Nam hơn và thúc đẩy nền kinh tế số, GrabPay by Moca cho phép người dùng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ Grab, chuyển tiền ngang hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng và thanh toán hóa đơn. Năm 2019, Grab sẽ hợp tác với các đối tác tài chính để giới thiệu thêm một số dịch vụ tài chính phù hợp với người dùng Việt Nam. Cùng với đó, Grab sẽ triển khai chương trình GrabRewards, chương trình khách hàng thân thiết lớn nhất Đông Nam Á, trên toàn hệ sinh thái FPT. Người dùng có thể tích điểm khi giao dịch và mua sắm tại các cửa hàng và sàn thương mại điện tử của FPT và đổi điểm thưởng để được giảm giá thông qua danh mục GrabRewards.
Sáng tạo công nghệ
Grab và FPT cũng sẽ cùng phát triển các công nghệ AI trong các lĩnh vực như nhận dạng và xác thực hình ảnh cũng như giao tiếp theo thời gian thực, với trọng tâm là tăng tính an toàn và chất lượng cho các đối tác tài xế, hành khách và đối tác kinh doanh.
Đội ngũ đối tác tài xế rộng khắp của Grab hàng ngày đều đi trên những tuyến đường quan trọng nhất của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, giúp Grab tích hợp được một trong những bộ dữ liệu giao thông chi tiết nhất trong khu vực.
Hiện FPT là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện – FPT.AI. Nền tảng này cho phép các lập trình viên để tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên với ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là chatbot (giúp tự động gắn kết với khách hàng), dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói (ứng dụng trong tổng đài tự động); xử lý ảnh và tài liệu (ứng dụng trong nhận dạng các loại giấy tờ tùy thân và nhận diện khuôn mặt)… Trong năm 2018, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI của FPT đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu hỗ trợ/tháng. Hiện có 7.720 lập trình viên đang phát triển các ứng dụng trên nền tảng này và gần 155.000 giờ giọng nói đã được các đối tác sử dụng. Hệ thống tổng đài tự động với công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói của FPT.AI đã thực hiện được hơn 750.000 cuộc gọi mỗi tháng, có thể thực hiện đồng thời 15.000 cuộc gọi vào giờ cao điểm, tương đương với hiệu suất làm việc của 500 tổng đài viên cùng lúc. Công nghệ nhận dạng chứng minh thư và giấy phép lái xe của FPT có độ chính xác lên đến 95%. Ứng dụng chatbot của FPT.AI tại FPT Shop đã hỗ trợ đến 70% tương tác với khách hàng.