AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2021 — Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED – thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade – thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA – thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam hôm nay chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ Chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab. Song song, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam cũng có những kế hoạch, hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước.
Theo chiến lược dài hạn, Chương trình hợp tác giữa AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Hoạt động hợp tác này cũng là một trong các sáng kiến triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, tập trung cho các nhà sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.
Hợp tác này cũng rất có ý nghĩa khi thời gian qua, các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ, sự an toàn của người dân, đồng thời gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của nhân dân, tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Các biện pháp hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội đã giúp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh hiệu quả, mặt khác cũng gây ảnh hưởng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó có nông sản. Nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản chất lượng cao của các địa phương, vùng miền chịu ảnh hưởng của dịch bệnh gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, khiến hiệu quả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giảm. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước lại đối mặt với nguy cơ vừa thiếu vừa thừa nguồn cung thực phẩm, giá cả thực phẩm tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh và gián đoạn chuỗi cung ứng. Bối cảnh đó đặt ra tính cấp thiết của việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước.
Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ của Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam kéo dài 03 năm, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ tập trung vào bốn mục tiêu chính:
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số.
- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ hợp tác tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn, hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình chuyển đổi số, đưa nông sản lên nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Người tiêu dùng được khuyến khích mua sắm và sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ các nhà sản xuất nông nghiệp tham gia các nền tảng số này.
- Nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong đó có lồng ghép thử nghiệm nền tảng của Grab để đánh giá hiệu quả thực thi. Để thực hiện mục tiêu này, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam có kế hoạch tập huấn, liên kết, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp đăng ký và đưa sản phẩm lên các nền tảng nông nghiệp số để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Các hoạt động hỗ trợ, liên kết, kết nối các nhà sản xuất nông nghiệp để cung cấp nông sản là đầu vào có các chứng nhận thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP), có nguồn gốc sản phẩm rõ ràng cho các đơn vị bán hàng, kinh doanh liên quan khác trên nền tảng số cũng sẽ được chú trọng.
- Thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thực hiện mục tiêu này, AED, Agrotrade, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ kết nối, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng số, trong đó có nền tảng Grab đối với các nhà sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội. Song song đó, các bên cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản nội địa thông qua giới thiệu, kết nối các địa phương, các nhà sản xuất nông nghiệp, và đơn vị tiếp nhận và đơn vị vận chuyển.
Tại buổi lễ ký kết, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Các đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên vì đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều các DNNVV, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh. Hợp tác này sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ, để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự đồng hành của hơn 60 đối tác trong nước và quốc tế triển khai nâng cao nhận thức, tư vấn đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, tư vấn lộ trình chuyển đổi số, đào tạo, kết nối giải pháp cho 5000 doanh nghiệp tiếp cận Chương trình. Hợp tác ngày hôm nay cũng là một sáng kiến, rất phù hợp với mục tiêu và định hướng của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 trên của Bộ KH&ĐT.”
Thông tin về nhu cầu ứng dụng công nghệ của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong mùa dịch và đối với các khu vực giãn cách, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, các chi cục trực thuộc, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tổng hợp thông tin, tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp đột phá là liên kết thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đây cũng là những việc làm thiết thực hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa chống dịch Covid; đồng thời tạo tiền đề để chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp.”
Nói về nhu cầu của các hợp tác xã trong chuyển đổi số từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: “Cả nước hiện có hơn 25.000 hợp tác xã, trong đó có trên 17.000 HTX nông nghiệp. Dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Với sứ mệnh hỗ trợ, tư vấn cho các HTX thành viên trên cả nước, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, khu vực kinh tế HTX không thể đứng ngoài cuộc. Sự kiện ký kết hôm nay là bước đầu tiên của việc tham gia công cuộc chuyển đổi số giữa khối quản lý nhà nước và Liên minh HTX Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động triển khai một số biện pháp hỗ trợ các HTX, thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai đề án ứng dụng CNTT trong điều hành quản lý, bao gồm xây dựng nền tảng ứng dụng về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, triển khai đồng loạt cho 63 liên minh tỉnh, thành, lồng ghép nội dung đào tạo, nâng cao trình độ CNTT và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ HTX cả nước. Sự triển khai đồng bộ, tích cực của hai Bộ quản lý nhà nước, sự đồng hành của “chủ công” đắc lực là Grab Việt Nam sẽ tạo thành sức mạnh hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững, thử nghiệm thành công công cuộc chuyển đổi số theo chỉ đạo Chính phủ.”
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “Grab rất vinh dự được đồng hành cùng AED, Agrotrade và ITPC-VCA tham gia chương trình đầy ý nghĩa này. Chúng tôi cam kết sẽ phát huy tối đa năng lực công nghệ, nền tảng số và hệ sinh thái của Grab để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản Việt, mang đến hiệu quả thiết thực lâu dài cho bà con nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp khắp cả nước. Trước đó, Grab đã công bố dự án GrabConnect nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến người tiêu dùng khắp cả nước thông qua ứng dụng công nghệ. GrabConnect cũng đã khởi động chương trình đầu tiên hướng đến mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ lên đến 300 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang thông qua hệ sinh thái siêu ứng dụng của Grab. Đây là những hoạt động quan trọng của chúng tôi nhằm thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng, ủng hộ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam.”